Tin tức

Đảo Phú Quý – “nàng tiên vừa thức giấc của Bình Thuận”

Đảo Phú Quý – “nàng tiên vừa thức giấc của Bình Thuận” được nhiều du khách bình chọn là một trong những hòn đảo tuyệt vời nhất nhờ nét hoang sơ, không gian thanh bình và những bãi biển đẹp đến nao lòng.
09/11/2022 3985 lượt xem

Đảo Phú Quý là một huyện đảo xinh đẹp có diện tích 16km2, nằm cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 120km. Nhìn từ trên cao, tùy theo từng góc độ mà có lúc Đảo Phú Quý trông như một con rồng đang hướng ra biển lớn, khi thì giống con cá thu, lúc lại giống một chú cá voi khổng lồ. Vì vậy, đảo cũng mang nhiều tên gọi khác nhau. Ngoài cái tên Phú Quý, người dân địa phương cũng thường gọi là “Cù Lao Thu”, “Cù lao Khoai Xứ”, “Cổ Long”, “Thuận Tịnh”,… Hòn đảo này may mắn được thiên nhiên ưu đãi nguồn tài nguyên phong phú và cả những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp. 

Ấn tượng đầu tiên của bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến Phú Quý chính là khung cảnh bình yên và hết sức thanh tĩnh. Hòn đảo mang vẻ đẹp hoang sơ của cảnh vật, của những vách núi đa hình hài đầy ấn tượng trên chùa Linh Sơn, của những biển xanh trong vắt, cát trắng kết hợp hài hòa cùng những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân như một bức tranh thủy mặc.

Với diện tích 16,4km2, đảo Phú Quý không quá rộng nhưng cũng đủ để mang đến cho bạn một chuyến trải nghiệm thú vị, mới lạ khi đặt chân đến nhiều điểm tham quan độc đáo.

Núi Cao Cát

Núi Cao Cát được xem như ngọn núi thiêng, tọa lạc ở phía bắc đảo. Điểm hấp dẫn du khách đến đây chính là những vách đá bị gió bào mòn qua hàng triệu năm tạo nên những mặt cắt đặc biệt, đem lại cảnh quan kỳ vỹ như một hành tinh khác. Từ trên đỉnh Cao Cát, bạn có thể quan sát toàn cảnh trên đảo. Những ghềnh đá đen, những hàng cây xanh ngát và cả những mái nhà chen chút nhau. Hay đưa mắt ra xa là không gian bao la của biển cả với những chiếc thuyền thấp thoáng ẩn hiện ngoài khơi.

Nằm trang nghiêm trên đỉnh núi Cao Cát, với chiều cao hơn 80m so với mực nước biển là ngôi chùa Linh Sơn khang trang và bề thế. Chùa Linh Sơn hoành tráng và cổ kính với hai con rồng lớn ngay lối lên. Có các bậc thang cho du khách dễ dàng tiến lên chùa. Ở giữa là một nữa vòm tròn có để các bức tranh của Phật giáo và tượng Quan thế âm ở trung tâm. Tiến sâu vào Chùa, bạn sẽ bắt gặp khuôn viên vô cùng thoáng mát. Cùng những đường nét tinh tế trong kiến trúc ở chùa. Không gian ở đây yên bình và trang nhã đem lại cho người ta cảm giác nhẹ nhàng và thanh tịnh.

Chùa Linh Sơn có bức tượng Phật Quan Thế Âm đồ sộ và lớn nhất được đặt trên núi cao càng tạo thêm sự uy nghi và trang nghiêm cho ngôi chùa. Bạn khi đến đây có thể vừa dâng hương vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiền nhiên đặc sắc.

Hòn Tranh

 

Được ví như “Việt Nam thu nhỏ” vì Hòn Tranh có hình dáng chữ S có diện tích khoảng 2.7km2. Bãi biển hòn Tranh được bao bọc bởi những dải núi nên quanh năm yên tĩnh, nước biển trong veo có thể nhìn thấy cả làn cát trắng mịn dưới đáy biển cùng những dải san hô nhiều màu sắc, kết hợp với những mỏm đá đen vết tích của nham thạch núi lửa và những hàng cây xanh ngát tạo nên bức tranh tuyệt mỹ được thiên nhiên ban tặng.

Bãi Nhỏ – Gành Hang

Bãi Nhỏ – Gành Hang là một sự kết hợp thú vị giữa hai nét đối lập mạnh mẽ và yêu kiều. Nếu như Gành Hang là một vách đá sừng sững quanh năm bên bờ biển, ngày ngày đón những cơn sóng biển đập vào tung bọt trắng xóa, thì Bãi Nhỏ gây ấn tượng với du khách bởi bãi cát trắng mềm mại uốn mình ôm lấy những làn nước biển mát lạnh, tinh khiết tạo nên một bức tranh sơn thủy đầy thơ mộng mê hoặc lòng người. Đặc biệt, nước biển ở đây chẳng những trong xanh mà còn rất sạch – một điều dường như đơn giản nhưng sẽ là điều rất khó đối với những địa điểm du lịch nổi tiếng.

Bãi Doi Dừa

Bãi Doi Dừa nổi bật giữa thiên nhiên Phú Quý nhờ vào bãi biển trải dài và những mỏm đá nhô ra giữa biển. Đến Bãi Doi Dừa, bạn sẽ có thể hòa mình trong làn nước lấp lánh, ngồi nghỉ trên những vách đá hay sưởi nắng dưới hàng dừa bên bờ biển.

Vịnh Triều Dương

Nơi đây có có bãi biển đẹp, cát trắng mịn với nước biển trong xanh, êm đềm. Chập chùng xa xa là hàng dương xanh ngát rì rào hòa quyện với tiếng sóng vỗ bờ tạo nên âm thanh dập dìu, thơ mộng làm say lòng bao du khách dừng chân nơi đây. Không gian yên tĩnh, khí hậu trong lành, mát mẻ cùng những rặng dừa xanh trĩu quả, ngọt nước là minh chứng về một hình ảnh đẹp và yên bình của đảo Phú Quý.

Buổi chiều ở Vịnh Triều Dương là khoảng thời gian thích hợp nhất để bạn đắm mình trong làn nước biển xanh trong mát lạnh, những con sóng vỗ nhẹ tạo cảm giác thư giãn thích thú và dễ chịu. Bãi cát trắng trải dài lấp lánh dưới ánh nắng dịu nhẹ cùng làn gió mang vị mặn của biển khiến người ta cảm thấy tâm hồn tươi mát và thoải mái hơn, đặc biệt mỗi khi hoàng hôn xuống hình ảnh thấp thoáng của làng chài Phú Quý được phác họa nên một bức tranh thật đẹp của cuộc sống thanh bình nơi đây.

Phong điện Phú Quý

Phong điện Phú Quý là một nhà máy điện gió được khởi công xây dựng vào tháng 11/2010. Mặc dù công trình phong điện này chỉ có 3 trụ tuabin, nhưng mỗi trụ tuabin cao tới 60m gồm 3 cánh quạt dài 37m và đường kính quay là 75m đứng sừng sững như những vị thần canh giữ biển cả.

Những “chong chóng khổng lồ” ở phong điện Phú Quý không dược thiết kế cầu kỳ và màu sắc sặc sỡ như những cánh đồng quạt gió ở Việt Nam khác, nhưng chính cái màu trắng tinh khôi ấy khiến nó trở nên cực kỳ nổi bật trên nền trời Phú Quý xanh biếc và những thảm cỏ trải dài ngút ngàn ở dưới chân.

Mỗi một thời điểm nơi đây lại mang một vẻ đẹp khác nhau nhưng quyến rũ nhất có lẽ là trong ánh bình minh hồng rực hay buổi hoàng hôn vàng ươm, lúc này không chỉ bầu trời mà từng cánh quạt hay từng trụ tuabin cũng được thay một tấm áo mới trơ nên cuốn hút đến lạ.

Núi Cấm và Chùa Linh Bửu

Núi Cấm là một trong hai ngọn núi ở Đảo Phú Quý với độ cao 108m so với mực nước biển, cách Cảng Phú Quý khoảng 3km về hướng tây, nằm trên địa bàn xã Ngũ Phụng. Trên đỉnh núi Cấm có một ngọn hải đăng thuộc loại lớn nhất Việt Nam.

Hải Đăng cao 18m, tháp đèn hình vuông. Bên dưới chân tháp là tòa nhà 2 tầng dành cho nhân viên trực đèn. Đèn có tầm chiếu xa 22 hải lý. Ngọn Hải đăng này có tác dụng giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Phú Quý xác định được vị trí của mình, ngoài ra nó còn có mục đích quan trọng là xác định chủ quyền biển đảo đất nước.

Muốn chinh phục ngọn hải đăng, bạn phải đi bộ, leo núi với hơn 120 bậc đá men theo sườn núi, dài khoảng 200m. Đến nơi bạn sẽ mãn nhãn với khung cảnh toàn đảo nhìn từ trên cao, đứng trên ngọn hải đăng bạn được nhìn thấy những bãi biển xanh bao la, những tàu thuyền đánh cá của ngư dân đang ngược xuôi trên biển…

Nằm cạnh chân núi bên con đường dẫn lên ngọn hải đăng là ngôi chùa Linh Bửu với dáng vẻ trang nghiêm và trầm mặc, đây cũng là một nơi dừng chân cho du khách trước khi chinh phục lên đỉnh núi. Chùa Linh Bửu do Hòa Thượng Thích Từ Huệ ở Chùa Trà Can – Ninh Thuận cùng với Phật tử tạo dựng vào năm 1971.

Khởi nguyên Chùa được xây dựng đơn sơ để có nơi tín đồ sinh hoạt, gồm ngôi chánh điện và nhà giảng. Năm 1999 tín đồ xây dựng nơi đây một Bảo Tháp rất uy nghi, Tổng hợp hài hòa giữa nét văn hóa Thái Lan và Việt Nam để tôn trí nhục thể của Hòa Thượng Tường Kim. Hiện nay Chùa Linh Bửu đã được Ban hộ tự phát tâm đại trùng tu thành một ngôi phạm vụ trang nghiêm. Chánh điện được xây dựng bằng bê tông cốt sắt có tiền đường và cổ lầu. Trên cổ lầu được trang trí rồng phượng rất đẹp. Đứng từ xa nhìn vào Chùa ẩn hiện trong những tàng cổ thụ, thấp thoáng khi ẩn khi hiện khiến cho tâm hồn ta được nhẹ nhàng thoát tục.

Đuốc Hồ Chí Minh

Đuốc Hồ Chí Minh được khánh thành vào năm 2011. Ngọn đuốc cao 19,5m, gợi nhớ đến ngày 19/5 – ngày sinh của Bác Hồ. Vị trí xây dựng ngọn đuốc được thiết kế thành sân lễ, có đặt tượng đài Bác bằng đá trắng non nước nguyên khối nặng gần 1 tấn. Con đường từ Chùa Linh Bửu đến nơi dựng Đuốc Hồ Chí Minh uốn lượn theo triền núi dài gần 300m, gồm một đoạn bằng phẳng được tráng bê tông và 2 đoạn xây đá theo bậc tam cấp. Đây là nơi cán bộ, nhân dân huyện đảo Phú Quý thường xuyên tổ chức viếng Bác, báo công với Bác vào những ngày lễ, tết những lúc diễn ra các sự kiện trọng đại của địa phương nhằm giáo dục, nhắc nhở các thế hệ trẻ trên đảo cùng chung sức, chung lòng xây dựng đảo ngày càng giàu đẹp, vững mạnh, xứng đáng là đảo tiền tiêu của Tổ quốc. 

Cột cờ đảo Phú Quý

Cột cờ có chiều cao 22,6m được xây dựng hoàn toàn từ bê tông cốt thép hướng mặt ra phía biển. Tuy không phải là một nơi quá đặc sắc nhưng đứng ở đây, dưới hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bạn sẽ cảm nhận ngay sự uy nghi của chủ quyền đất nước Việt Nam ta. Cột cờ đảo Phú Quý như ranh giới bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Nằm ngay khu vực cột cờ, nhìn thẳng ra biển là Bãi đá đảo Phú Quý. Đây là nơi có phong cảnh đẹp để các bạn có thể làm một bộ ảnh sống ảo giữa bao la biển trời.

Vạn An Thạnh

Vạn An Thạnh tọa lạc trên một bãi cát trắng sát cạnh bờ biển thuộc làng Triều Dương, xã Tam Thanh. Vạn ở vị trí cách trung tâm huyện đảo Phú Quý khoảng 2.5km về hướng Đông Nam. Vạn An Thạnh được kiến tạo hoàn chỉnh năm Tân Sửu 1781 theo lối kiến trúc dân gian của người Việt như dạng đình làng trong đất liền, các kiến trúc chính gồm chính điện, nhà Tiền hiền, Võ ca. Bên trong vạn còn có chỗ chứa xương cốt cá voi gọi là Tẩm.

Vạn An Thạnh đến nay còn lưu giữ gần 100 bộ xương cốt (gồm cá voi, rùa da). Có thể coi đây là một bảo tàng Hải dương học với những bộ sưu tập phong phú về cá Voi.

Vạn Mỹ Khê

Vạn Mỹ Khê được tạo lập từ năm 1785, đến nay đã trải qua hơn 231 năm tồn tại. Vạn là thiết chế tín ngưỡng dân gian gắn liền với tập tục thờ cúng cá Voi của ngư dân làng Mỹ Khê qua nhiều thế hệ trong cuộc sống mưu sinh trên biển đảo. Sự tồn tại của di tích gắn liền với quá trình khai khẩn đất đai, tạo lập làng xóm và xây dựng lăng vạn của các thế hệ cha ông ngày trước.

Chùa Thạnh Lâm

Chùa Thạnh Lâm tọa lạc tại xã Ngũ Phụng huyện Phú Quý, được tạo dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Tại chùa còn lưu giữ trên 30 tượng Phật cổ với nhiều chất liệu như: đồng, gỗ và đất nung. Quần thể kiến trúc chùa Thạnh Lâm gồm nhiều hạng mục có quy mô bề thế, trang nghiêm đan xen giữa lối kiến trúc cổ kính và kiến trúc hiện đại như: Cổng Tam quan, Bảo tháp, Tháp bia, Tháp chuông, Chính điện và nhà Tổ.

Đến với chùa Thạnh Lâm ngoài việc vãng cảnh, bái Phật còn được thưởng thức những nét đặc sắc của một công trình kiến trúc Phật giáo bề thế trên đảo Phú Quý, trong đó nổi bật là ngôi Bảo tháp 7 tầng và Đại hồng chung nặng 1,2 tấn được xem là những công trình kiến trúc, hiện vật lớn và đẹp nhất hiện nay tại các di tích ở Bình Thuận.

Dinh mộ Thầy Sài Nại

Đền thờ (Dinh Thầy) được người dân trên đảo xây dựng vào cuối thế kỷ XVII để thờ thầy Sài Nại – một vị thương gia người Hoa đã có công bảo bọc, chở che và cưu mang người dân xứ đảo qua nhiều thế hệ. Đền thờ tọa lạc trên một ngọn đồi cao tại thôn Phú An, xã Ngũ Phụng (riêng mộ của Thầy nằm ở Thôn Đông Hải, xã Long Hải).

Hàng năm tại đền thờ thầy Sài Nại diễn ra lễ hội chính vào ngày mùng 4 tháng tư âm lịch, người dân trên đảo gọi là lễ Giao phiên kỵ Thầy. Đây là mốc thời điểm kết thúc phiên trách thờ phụng, cúng tế của làng trước đó và chuyển giao phiên trách lại cho làng kế tiếp; làng đến phiên thờ phụng sắc phong phải sắm sửa đoàn lễ theo đúng tập tục gồm (kiệu, cờ đại, cờ trung, cờ tiểu, tàng, lọng, chiêng, trống, bát bửu…) để tiếp nhận và thỉnh sắc phong về an vị và thờ phụng tại làng mình.

Đền thờ công chúa Bàn Tranh

Đền thờ công chúa Bàn Tranh được gọi theo tên của công chúa vương quốc Chămpa là Bàn Tranh. Đền thờ do người Chăm xây dựng vào cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI để thờ công chúa Bàn Tranh, toạ lạc tại xã Long Hải.

Truyền thuyết kể rằng, công chúa Bàn Tranh vì không nghe lời vua cha nên bị kết tội phản nghịch và bị lưu đày ra hoang đảo. Nàng được ban cho một số nô tỳ để hầu hạ và một chiếc thuyền buồm làm phương tiện ra đi. Từ đó họ bắt đầu vỡ đất, làm nương, câu cá và tạo lập cuộc sống mới trên đảo hoang. Công chúa Bàn Tranh là người có công đầu trong việc đưa lên đảo những giống lương thực, hoa màu và hướng dẫn người dân trên đảo khai khẩn đất đai làm ruộng vườn, hình thành xóm làng và chỉ dạy người dân cách trồng trọt, làm nghề…. Với những công lao to lớn đó, người Chăm nói riêng và nhân dân trên đảo Phú Quý nói chung đã tôn vinh gọi đền thờ công chúa Bàn Tranh hay đền thờ Bà Chúa Xứ.

Hồ cá Làng Dương

Hồ cá Làng Dương là một công trình đặc biệt của những “kiến trúc sư” nuôi cá trên đảo. Ngư dân sử dụng đá xây thành hồ cao, những viên gạch đặc biệt được đục khoét sao cho nước biển có thể tràn vào hồ, nhưng tôm cá không trôi ngược ra biển. “Sống ảo” gần Hồ cá Làng Dương thì chắc chắn bạn sẽ có những bức ảnh độc nhất vô nhị luôn đấy!

Cũng như các điểm du lịch khác ở Bình Thuận như Mũi Né hay các thiên đường biển hoang khác, tại đảo Phú Quý không chỉ có các điểm tham quan mà còn vô số các hoạt động trải nghiệm thú vị mà nếu không thử bạn sẽ phải tiếc hùi hụi.

Đến với đảo Phú Quý, bạn khó lòng mà bỏ qua cơ hội được hòa mình vào dòng nước mát lành ở những bãi biển trong xanh và nhìn ngắm trời đất bao la. Sau đó hãy thuê một chiếc thuyền dạo quanh các hòn đảo nhỏ. Các hòn đảo như Hòn ranh, Hòn Đen, Hòn Đỏ, Hòn Giữa, Hòn Trứng,… tất cả đều hoang sơ, đẹp lắm, một số còn sở hữu làn nước cực kỳ trong xanh có thể nhìn thấu tận đáy. Ngồi trên thuyền dạo qua các hòn đảo bạn sẽ thấy được sự quyến rũ của nơi này mang lại. Đi thuyền phám phá các đảo nhỏ xung quanh.

Nếu là người thích lãng mạn hẳn sẽ không thể rời mắt trước cảnh hoàng hôn rực rỡ trên đảo. Nơi đây nổi tiếng là một trong những điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất của Bình Thuận. Có rất nhiều điểm để bạn có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt diệu này như vịnh Triều Dương, Dinh Thầy Nại, Bờ kè Ngũ Phụng,… nhưng phổ biến và đẹp nhất là trên đỉnh núi chùa Linh Sơn.

Khi đã chán chê, bạn có thể thực hiện một chuyến phượt quanh đảo bằng xe máy. Chỉ với một chiếc xe máy thuê bạn có thể vi vu qua các cung đường biển, những cung đường hoang vắng, yên bình và dừng chân ở bất cứ nơi nào mà mình muốn. Đặc biệt là bạn có thể luồn lách mọi ngóc ngách, khám phá những điều hay ho mà trước giờ mình chưa được trải nghiệm. Cảm giác bon bon trên chiếc xe, băng qua biển trời, ngửi mùi của biển cả và gió trời thật là “yomost” làm sao! 

Thiên nhiên, con người và phong cảnh nơi đây là ba mảnh ghép lớn núi chân du khách, nhưng nếu thiếu mảnh ghép về ẩm thực thì khó mà trọn vẹn. Đến đảo Phú Quý thì không thể bỏ qua món hải sản, bởi hải sản ở đây cực kỳ tươi. Ngư dân đi đánh bắt trong ngày, bắt được con gì họ bày ra trước nhà bán con đó, giá thì rẻ bất ngờ. Có rất nhiều loại cá biển, ốc biển tươi ngon, nhưng đã đến Phú Quý rồi thì hãy nên thử thưởng thức món cua huỳnh đế. Cua huỳnh đế ở đây rất ngon, với giá cả lại rất phải chăng, nên bạn không cần ngừng ngại suy nghĩ mà thưởng thức ngay.

Đảo Phú Quý hoang sơ là thế nhưng lại hút hồn như nàng tiên đang ẩn mình. Nếu có dịp đi du lịch Bình Thuận, đừng quên làm một chuyến ra thẳng đảo Phú Quý để hít thở không khí trong lành, yên tĩnh, và cảm nhận sự khác biệt của thiên nhiên nơi này nhé!

Bạn có thể ra đảo Phú Qúy hãy liên hệ tàu cao tốc Phú Qúy Island chạy từ cảng Phan Thiết đến Phú Quý, thời gian 2h30 phut với giá vé 400.000 đồng/người/chiều. Tàu chạy rất êm và nhanh. Đặc biệt tàu có nhiều ưu điểm tốt hơn so với những tàu khác la: 1. tàu vỏ thép an toàn cao, 2.tàu chạy êm không say tàu, 3. có giường nằm, 4. nội thất đẹp, 5.nhân viên nhiệc tình chu đáo, 6. đặc biệc có nhà nghỉ qua đêm miễn phí.

Trẻ em từ 12 tuổi trở xuông đi chung gia đình được miễn vé

  • Qúy khách có nhu cầu du lịch Đảo Phú Qúy hãy liên hệ với chúng tôi: 

    TÀU CAO TỐC PHÚ QUÝ ISLAND
     ✅ Facebook: Tau Phu Quy Island ✅ Website: 🌐 pkdphuquy@gmail.com. ✅Phòng vé Phan Thiết: ☎️ 0793497799 - 0792892299. Đ/c: 165 Võ Thị Sáu - P Hưng Long -TP Phan Thiết ( gần cảng Thương Chánh ) ✅Phòng vé Phú Quý. ☎️ 0799847799 Đ/c: 17 Ngô Quyền - Tam Thanh - Phú Quý ✅Hoặc tư vấn riêng ☎️ 0908335454 ( gặp anh Phắng )

 

X

Đặt vé

Top